Friday, September 23, 2011

Hà Nội - Apachải Di tích nhà tù Sơn La

Xuất phát từ Đại học Khoa học Tự nhiên lúc 5h sáng ngày 29.04.2009 dưới cơn mưa tầm tã, cả đoàn 6 người - 3 xe cứ lầm lũi lầm lũi tiến đi. Lúc mưa quất rát mặt, lúc thì lao xe trong khối sương mù dày đặc mà không nhìn thấy nhau. Tuy nhiên đến Mộc Châu - Sơn La thì trời bắt đầu đổ nắng.
 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

Trong chuyến Phượt thứ 2 của năm, chúng tôi mới có dịp thăm nhà tù Sơn La, một di tích cách mạng đã học từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Năm 1962 nhà tù Sơn La được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng là một trong nhiều di tích cách mạng của cả nước.

Khác với hình dung của chúng tôi, con đường đất xưa kia dẫn đến ngọn đồi Khau Cả, thị xã Sơn La nơi có Bảo tàng và nhà tù Sơn La đã được trải nhựa. Nay trên ngọn đồi này, di tích nhà tù Sơn La không còn đơn độc mà quanh đó có một loạt cơ quan đầu não của tỉnh: Đài Truyền hình, Ủy ban Nhân dân, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư… Mặc dù nhà tù nay đã bị phá bỏ nhưng những gì còn lại cũng đủ để người xem hình dung được cuộc sống tù đầy tàn khốc đã diễn ra nơi này.

Nhằm đầy ải, giam cầm và cô lập các tù nhân chính trị yêu nước của Việt Nam, năm 1908 thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Sơn La. Lúc đầu chỉ là một nhà tù nhỏ, sau nâng dần lên nhà tù hàng tỉnh với số lượng tù nhân tăng dần. Từ năm 1930 - 1945, tại đây, thực dân Pháp đã giam cầm hơn 1000 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có nhiều người là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu…
 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

Nay, dấu tích của các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại hai gian, trại ba gian cùng những phòng giam đặc biệt chỉ rộng hơn 1m2 (nay chỉ còn lại nền móng) nơi từng giam hãm các lãnh tụ cách mạng của đất nước ngày xưa… giúp người xem phần nào hình dung ra cuộc sống khổ cực của tù nhân và thêm khâm phục ý chí kiên cường của họ trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù dân tộc. Nơi đây cũng trưng bày hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn - những chứng tích sống về tội ác dã man của kẻ thù như những còng tay, xích sắt còng tù nhân, bàn kẹp sắc nhọn, những chiếc bát sứt mẻ dùng cho tù nhân ăn uống hàng ngày…
 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

 
Photobucket

Cũng trong gian nhà trưng bày những kỷ vật còn lại của các chiến sĩ tù Sơn La (trước đây là nhà giam lớn), người xem còn được thấy những bức tượng mô tả các tù nhân bị thực dân Pháp giam cầm, hành hạ chỉ còn da bọc xương nhưng những người cộng sản trung kiên ấy vẫn kiên cường vượt qua mọi sự tra tấn dã man trung thành với Tổ quốc với nhân dân. Trong ngục tù, mặc dù bị hành hạ, cô lập với bên ngoài nhưng họ vẫn tìm cách liên lạc với nhau, đoàn kết, tổ chức các lớp học, giúp nhau củng cố tinh thần và giữ vững ý chí.
 
Photobucket

Thăm di tích nhà tù Sơn La, người xem còn được nghe kể về Tô Hiệu một lãnh tụ tù kiên cường và bất khuất của cách mạng Việt Nam. Ông bị đày lên Sơn La năm 1940. Được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ Đảng nhà tù Sơn La, ông đã lãnh đạo anh em tù tuyệt thực, kiên trì đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù. Tại đây ông cùng với một số anh em mở lớp học chính trị, văn hoá, dạy cho các bạn tù vào ban đêm. Ông bị giam vào ngục tối, bị tra tấn dã man nhưng điều đó không thể ngăn được lòng yêu nước và ý chí bất khuất của ông. Tô Hiệu mất đi nhưng tấm gương về lòng yêu nước, sự dũng cảm của ông vẫn còn mãi soi rọi cho các thế hệ sau.

Trái ngược với những gì khô cằn nơi đây, một cây đào quanh năm xanh tốt mọc ở một phía nhà tù để lại nhiều ấn tượng cho du khách tham quan. Cây đào mang tên người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu như một biểu tượng bất diệt, tượng trưng cho ý chí quật cường và lòng dũng cảm vô song của các chiến sĩ tù cộng sản Sơn La.

No comments:

Post a Comment