Chiều, nhiều người ra bãi Giữa để tắm sông. Có người dắt cả xe máy xuống bãi, ai cũng treo lủng lẳng trên xe một túi quần áo và đồ bơi.
Anh Lê Đức Thành, người có thâm niên 7 năm đi… tắm sông Hồng, được gọi là thổ dân da đỏ nói, trước đây đến bơi chủ yếu là tự phát, nhưng từ năm 2007 có Câu lạc bộ bơi sông Hồng để duy trì hoạt động thường xuyên, nề nếp. Đến nay, thu hút hơn 100 thành viên.
Ông Lê Nhật Tâm (70 tuổi) tâm sự, nhờ bơi lội thường xuyên nên ông không bị áp huyết cao, ăn được, ngủ được. Theo ông, mấy năm trước chỉ có một bãi tắm ở phía bắc cầu Long Biên nhưng do lượng người tắm ngày càng đông nên thành viên câu lạc bộ tìm thêm một bãi tắm ở phía bên phải cầu (cách cầu Chương Dương không xa).
Cả 2 bãi tắm này đều có bờ khá bằng phẳng, mực nước không quá sâu, lại có lau sậy um tùm phía trên nên mọi người tha hồ… nuy. Cứ thứ 7, chủ nhật là đông chẳng kém bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng), ông Tâm nói.
Số người ra bãi tắm ngày càng nhiều nên tại đây xuất hiện dịch vụ nhà thuyền phục vụ ăn uống. Khoảng 5-7 nhà thuyền thường xuyên hoạt động, đậu san sát bên bờ sông. Sau khi tắm táp và bơi lội thỏa thích, khách tụ tập trên nhà thuyền uống bia, trò chuyện…
Thành viên câu lạc bộ thường tự mua đồ ăn, thức uống để nấu nướng trên nhà thuyền sau khi bơi. Họ còn phân công nhau nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh.
Anh Nguyễn Minh Châu nói: “Ban đầu tôi thấy mọi người trần truồng tắm giữa ban ngày cũng hơi xấu hổ, nhưng ai cũng thế cả, nếu mình cứ mặc đồ thì có vẻ lạc lõng quá. Tắm một vài lần là quen ngay thôi, lâu dần đâm… nghiện vì tắm tiên sẽ giúp mình bơi lội hoạt bát hơn! Trước, có cả chị em ra tắm tiên, nhưng bây giờ cánh đàn ông chúng tôi đông quá nên họ ngại”.
Ông Phạm Văn Kim ở Ngọc Thụy (Long Biên) nhận xét: “Tắm như thế này mới là hòa mình vào thiên nhiên. Người giàu sang, công nhân viên chức hay dân lao động… đều như nhau cả. Đến bãi tắm, cởi quần áo ra rồi thì ai cũng như ai, không hề có sự phân biệt địa vị xã hội. Nhiều người biết chuyện chúng tôi cởi truồng tắm sông giữa ban ngày còn chê bai nói này nói nọ, nhưng tôi thấy chả có gì phải ngại. Thậm chí, chúng tôi còn cảm thấy tự hào khi mình là người đã chiến thắng được sự sợ hãi về ngoại hình của bản thân”.
Anh Trần Văn Công ở phố Hàng Bún tỏ vẻ e dè: “Tắm sông cũng nguy hiểm. Nhưng bây giờ ao, hồ bị lấp đi xây nhà, làm đường hết rồi, còn vào bể bơi công cộng thì chật chội, thu phí đắt đỏ. Không ra đây thì chúng tôi biết bơi ở đâu?”.
Tienphong
No comments:
Post a Comment